Đại sư Ấn Quang khai thị sanh tử tâm thiết

11111

1. Đại sư Ấn Quang khai thị sanh tử tâm thiết

a. Nghĩ mình như đang rớt trong lửa, chìm ngập trong nước, như lửa đang cháy trên đầu mà niệm Phật, thì không một ma nghiệp nào mà không tiêu.

b. Điều trọng yếu khi muốn thoát khổ, duy chỉ từng niệm đều biết sợ chết rồi bị đọa xuống tam đồ ác đạo. Câu Phật hiệu tự nhiên sẽ thuần thục, tịnh nghiệp sẽ tự nhiên thành. Tất cả trần cảnh không thể đoạt mất chánh niệm của mình.

c. Niệm Phật không hôn trầm thì tán loạn, đó là hiện tượng niệm Phật một cách qua loa cho xong việc. Nếu niệm với tâm khẩn cấp cầu cứu ra khỏi lửa đang cháy, nước đang ngập, giặc cướp đang đuổi giết, sẽ không còn loại bệnh này.

Lại xem câu đối của Ấn Tổ treo nơi cột nhà để tự khích lệ:

– Đạo nghiệp chưa thành, nào dám để tâm này tán loạn, cái chết sắp đến, xin tạ từ mọi thứ xã giao.

– Nay đã bảy mươi, ngày sống không còn nhiều, như kẻ tử hình qua phố, từng bước gần kề cái chết. Nay xin tạ tuyệt mọi thứ, chuyên tu Tịnh Độ. Ai hiểu được lòng thành này chính là người liên hữu của tôi.

– Ngươi sắp chết, mau niệm Phật, tâm không chuyên, quyết định đọa địa ngục, muốn được làm ngạ quỷ, súc sanh còn khó, chớ vọng tưởng mong hưởng phước báo nhân thiên.

– Ngươi sắp chết, mau niệm Phật, nếu ý chí chân thành, liền có tên trong liên trì. Không phải trụ ở cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác mà chắc quyết chứng đắc vô thượng diệu quả (tức thành Phật).

2. Đại sư Tỉnh Am trong bài văn khuyên phát bồ đề tâm được Ấn Quang đại sư vô cùng tán thán, trong đó miêu tả cái khổ của sanh tử cũng là trạng huống đời đời kiếp kiếp trong lục đạo luân hồi của chúng ta.

“Ta cùng chúng sanh, từ bao kiếp trước, quanh quẩn trong sanh tử chưa hề thoát ra, lúc làm người, lúc sanh cõi trời, khi chui vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõng đen sáng mở tối lại chui vào, hang sắc tạm rời lại đi vô, leo lên núi dao, thân không còn mảnh da nguyên vẹn, vịn vào hàng cây kiếm, từng ô thịt bị rách bươm.

Viên sắt nóng không trừ được cơn đói, vừa nuốt vào gan ruột nát tan, nước đồng sôi không giải được khát, uống vào thịt xương tan nhừ, cưa bén xẻ thây đứt xong liền lành lại tiếp tục tái diễn, gió nghiệp thổi qua chết xong rồi lại sống, trong thành rực lửa, tiếng thét thảm thương, trên bàn ngào nướng, vang vọng tiếng gào tái tê. Nơi ngục hàn băng, thân hình xanh như nhụy sen xanh, máu thịt rã nứt lại đỏ như sen đỏ trổ hoa.

Trong chốn địa ngục, một đêm chết sống đến cả vạn lần so với nhân gian, một buổi hành hình lâu tròn thế kỷ, bao phen lính ngục trừng trị mệt mỏi, nào ai chịu tin lời răn của Diêm Vương. Lúc bị hình phạt mới biết khổ, hối hận cũng đã muộn rồi! Khi được thoát thì liền quên ngay, vẫn nghiệp cũ lại gây như trước.

Đánh con lừa văng máu nào hay chính mẹ mình đang đau khóc; xua heo vào giết, nào hay chính cha mình sắp rã thây.

Ăn thịt con mà không hay biết, Văn Vương cũng thế, ăn thịt song thân mà nào có biết chi, phàm phu dân gian thời cũng vậy. Năm xưa ân ái, nay thành oan gia, ngày trước oán thù nay là cốt nhục.

Đời trước là mẹ đời này làm dâu, thuở xưa là cha nay lại làm chồng, có thần thông túc mạng soi thấy, thật đáng hổ thẹn. Lấy thiên nhãn mà nhìn, thật đáng buồn cười tội nghiệp.

Trong vũng phân nhơ, bao bọc mười tháng, qua đường ngập máu để được sanh ra, thật quá đáng thương, bé thơ biết gì, mọi sự chẳng hiểu.

Lớn lên dần hiểu, tham dục liền sanh, loáng thoáng đã già, đau bệnh tìm tới, vô thường nhanh chóng cũng đi theo sau. Gió lửa giao tranh, thần thức bấn loạn, khí huyết vơi cạn, da thịt khô dần; từng lỗ chân lông như bị kim đâm, mỗi một khiếu huyệt đang bị dao cắt.

Rùa bị đem nấu, lột được vỏ ra, tưởng chừng còn dễ, thần thức rời khỏi xác thân, khó gấp bội lần. Con người tâm thường không vững, như kẻ lái buôn bôn ba khắp chốn, còn thân thì không định hình, như nhà cửa cứ mãi đổi thay, nhiều như bụi trần trong đại thiên thế giới cũng không sao đếm hết số lần sanh tử luân hồi khổ đau.

Ba đào bốn biển lường sao cho hết nước mắt biệt ly?

Xương cốt chất chồng trội hơn núi cao, dẫy đầy thây chết nhiều hơn đại địa.

Giả như không được nghe lời Phật giảng, việc ấy ai thấy ai nghe. Không xem kinh Phật, lý này ai hiểu, ai biết.

Thế mà có kẻ vẫn mãi tham luyến, vẫn cứ si mê.

Chỉ sợ ngàn đời vạn kiếp sau mới lại làm người.

Một lỡ trăm sai. Thân người khó được dễ mất, vận may dễ qua khó tìm trở lại.

Đường đời mờ mịt, biệt ly dài lâu, tam đồ ác báo rồi phải tự thọ.

Khổ không kể xiết, nào ai thế cho?

Nhân hứng mà nói dông dài như trên, thật không thể không chạnh lòng giá buốt.

Cho nên phải đoạn dứt dòng sanh tử, vượt nẻo ái hà, mình với người cùng thoát, cùng lên bờ giác.

Công lao muôn kiếp chính là bắt đầu từ nay.

3. Kinh Phật lời tổ khai thị về sanh tử khổ. Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta trôi lặng trong sanh tử luân hồi chịu khổ không kể xiết. Y theo nội dung của kinh trừ ưu mà tư duy có thể khiến chúng ta sanh tâm chán ngán mong lìa khỏi luân hồi rất mạnh, vì đây là nỗi khổ mà mỗi người chúng ta đều từng trải qua.

Qua những bài thơ của Tổ sư đại đức cũng có thể kích phát tâm sanh tử cho chúng ta, như đại sư Ưu Đàm đời nhà Nguyên có bài:

Quay nhìn hài cốt chất như núi
Nước mắt phân ly thành sông biển lớn
Thế giới cuối cùng cũng hư hoại
Đời người qua mau như búng tay
Có gì vui đâu kiếp con người
Trải qua ngàn lần thay đổi mãi
Lúc làm thân nam khi thân nữ
Mang lông đội sừng bao vạn kiếp
Không nhân đời nay sanh Tịnh Độ
Lạc bước đầu thai thì muộn rồi.

Cử một câu chuyện về sanh tử tâm thiết:

Lương Võ đế mời thiền sư Bảo Chí Công xem vở tuồng, khi kết thúc. Vua hỏi: vở tuồng hôm nay hay không?

Thiền sư nói: Tôi không biết.

Vua lại hỏi: Họ hát có hay không?

Thiền sư: Tôi không biết.

Vua rất ngạc nhiên: Rõ ràng Ngài ngồi bên cạnh cùng xem, sao lại nói không biết?

Thiền sư nói: Thưa bệ hạ, ngày mai thử cho họ diễn lại vở tuồng này, rồi cho một tử tội sắp bị chặt đầu, bảo họ bưng một thau nước quỳ trước sân khấu và nói sau khi diễn tuồng xong, thau nước không bị rơi một giọt ra ngoài sẽ được tha tội, ngược lại thì lập tức bị chặt đầu.

Vua nghe xong tuy không hiểu lắm, nhưng vẫn làm theo. Hôm sau khi kẻ tử tội xem tuồng xong, không hề rơi một giọt nước ra ngoài. Ngài Bảo Chí Công hỏi: “Họ diễn tuồng hay không? Hát có hay không? Tử tội trả lời: Thưa con đều không biết.

Ngài Chí Công hỏi tiếp: Ngươi quỳ ở hàng đầu tiên vì sao lại nói đều không biết?

Tử tội trả lời: Thưa ngài, tâm của con lo thau nước này còn không xong, tâm tình nào mà để ý xem tuồng chứ!

Khi đó vua mới hiểu, tâm không đặt ở vở tuồng, xem mà không thấy, nghe như không nghe, tâm của ngài Chí Công đặt ở việc lớn sanh tử không ở vở tuồng, nên nào biết nó hay hay dở chứ.

Giả như chúng ta đặt tâm ở đại sự sanh tử, đại sự vãng sanh, tự nhiên câu Phật hiệu sẽ không bao giờ gián đoạn, cho dù người khác không cho bạn niệm, trong tâm của bạn vẫn cứ miên mật, từng câu tiếp nối nhau không ngừng. Giống như ngài Hải Hiền trong thời kỳ đại Cách mạng văn hóa, người ta cấm ngài niệm Phật, trong tâm ngài câu Phật hiệu cũng chưa từng gián đoạn.
Người có tâm CHIA SẺ những điều tốt đẹp đến với mọi người, phước báu là không thể nghĩ bàn. Đừng chần chừ gì thêm, bấm chia sẻ ngay bài viết này đến với mọi người!


2222

Nhận xét

Đăng nhận xét